Tin tức hot trong ngày - Tri thức trực tuyến

M

Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào

Đêm xuống, hàng nghìn người Lào ăn, ngủ chen chúc trong trại tạm trú sau khi thoát khỏi dòng nước lũ do vỡ đập thủy điện.

Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Tại trung tâm huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, hàng nghìn người dân được bố trí tạm chỗ ở trong khuôn viên các trường học. Mỗi căn phòng chứa khoảng 50-60 người nhưng cả đêm lẫn ngày, người dân vẫn nhường nhịn, san sẻ cho nhau từng cái ăn, cái mặc.
Theo giới chức địa phương, khoảng 6.000 người bị ảnh hưởng sau khi một đập thuộc dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ tối 23/7. Hơn 100 người vẫn mất tích.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Người dân nhận đồ cứu trợ gửi đến khu lánh nạn. "Hàng chủ yếu là quần áo, mì gói thôi nhưng ai cũng vui", bà Kham, 75 tuổi, chia sẻ.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Cặp vợ chồng ướm thử quần áo được gửi tới.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Bữa tối chỉ với mì gói của một gia đình người Lào. 
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Ở khu tạm trú Sanamxay có hàng chục trẻ ở độ tuổi sơ sinh đến 3 tháng tuổi. Các em được mẹ bế ra hành lang trước khi đi ngủ.  
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Trong hành lang kín những người lánh nạn, cậu bé Keonytha 6 tuổi vẫn vui cười, đùa giỡn cùng nhóm trẻ. Cậu bé giật chiếc nón liền áo để hoá thân thành Batman - nhân vật rất yêu thích của mình.
Keonytha cùng 4 người trong gia đình đã kịp thoát lên nóc nhà khi cơn lũ cuốn qua và được người trong bản cứu vào sáng hôm sau.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Chị Chansamay (ở bản Thahin) cho biết khi thảm họa xảy ra, toàn bộ tài sản gia đình gồm hai điện thoại, máy cày, xe máy… bị nước cuốn trôi. Chị cùng chồng và 4 đứa con dù bị nước cuốn đi một quãng dài nhưng may mắn được cứu sống.
"Những nhu yếu phẩm dù nhỏ như những bộ quần áo, dép, chăn… rất cần đối với gia đình tôi lúc này", người phụ nữ 41 tuổi nói.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Một đại gia đình sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt trong khu tạm trú.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Bà Phin, 60 tuổi cùng gia đình 6 người được đưa đến nơi tránh lũ. Trong đêm vỡ đập thủy điện, cả nhà bà bị nước cuốn trôi. Trong cơn hoảng loạn, bà bấu víu được vào nhánh cây và ở đó đến trưa hôm sau thì được cứu.
"Ở đây chật hẹp, có nhiều người cùng cảnh ngộ nhưng mất nhà mà được cưu mang như vậy là rất tốt", bà nói.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
Hai em nhỏ chợp mắt trong vòng tay gia đình.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
21h,  khi các em nhỏ đều đã say ngủ, nhiều người lớn tuổi vẫn ra hành lang ngồi hóng gió, để căn phòng bớt ngột ngạt.
Đêm ở khu lánh nạn sau vỡ đập Lào
22h đêm vẫn còn nhiều bệnh nhân đến khám tại tổ cứu trợ của bệnh viện Đại Học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai tại khu tạm trú.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công (trái), phó giám đốc bệnh viện, trưởng đoàn cứu trợ, cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát do điều kiện ăn ở tạm bợ ở khu lánh nạn.

Cô gái Việt ở Đài Loan gây xúc động khi kể về người mẹ làm ô sin

Câu chuyện về người mẹ làm giúp việc ở Đài Loan nuôi 3 con gái trưởng thành thu hút hơn 61.000 lượt xem trên kênh YouTube của Thu Hằng.

Video có tên "Mẹ của tớ là ô sin" được Nguyễn Thu Hằng đăng tải trên kênh YouTube cá nhân hôm 2/7 và nhận được hàng trăm bình luận từ cả người dùng mạng Việt Nam lẫn Đài Loan, theo Taiwan News.
Trong video, Hằng, sống ở Đài Bắc, kể rằng mẹ cô là bà Lương Thị Hồng Nhi, sang Đài Loan cách đây 14 năm để làm giúp việc do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hằng cũng sang Đài Loan du học để được ở gần mẹ. 
Video được Hằng gửi đến mẹ như một lời tri ân bởi nhờ bà bao năm bôn ba kiếm sống nơi xứ người mà ba chị em cô giờ đây đã trưởng thành. Hằng đang là nghiên cứu sinh và đã kết hôn với một chàng trai bản địa. Em gái thứ hai của cô cũng đang học thạc sĩ ở Đài Loan còn em út đã yên bề gia thất ở quê nhà.
Thu Hằng (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ và em gái tại Đài Loan. Ảnh: Facebook
Thu Hằng (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ và em gái tại Đài Loan. Ảnh: Facebook
"Ở Đài Loan mình được trải nghiệm nhiều điều thú vị, được làm công việc mình yêu thích", Hằng nói. "Nhưng điều làm mình tự hào nhất là khi mẹ lên sân khấu nhận bằng vinh danh lao động ưu tú nước ngoài còn mình chính là MC cho chương trình này".
Video gây xúc động với cảnh chia tay lưu luyến khi bà Nhi hết hạn hợp đồng lao động ở Đài Loan và phải xa các con gái để trở về Việt Nam.
"Hy vọng mẹ có thể cảm thấy tự hào vì đã hy sinh cả quãng đời thanh xuân cho ba chị em chúng mình", Hằng nói. 
Video hiện thu hút hơn 61.000 lượt xem. Nhiều người bày tỏ ngưỡng mộ trước sự hy sinh và tảo tần của bà Nhi cũng như tình yêu thương mà các thành viên trong gia đình Hằng dành cho nhau.
Thu Hằng và chồng John Li. Ảnh: Facebook
Thu Hằng và chồng John Li. Ảnh: Facebook
Hằng hiện cũng là một giảng viên tiếng Việt nổi tiếng ở Đài Loan. Cô còn tham gia nhiều hoạt động quảng bá văn hóa khác và làm MC cho nhiều chương trình của cộng đồng người Việt tại đây. 
Kênh YouTube "Hang TV" do cô và chồng là John Li quản lý hiện có hơn 20.000 người theo dõi với nhiều video chia sẻ về cuộc sống, công việc ở Đài Loan hay dạy nói tiếng Việt. 

Bác sĩ "chỉ tận tay, day tận mặt" thủ phạm khiến dân văn phòng đơ đơ, vật vờ như bóng ma

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM, thói quen lười vận động, làm việc căng thẳng, ngồi phòng máy lạnh khiến nhiều bệnh theo đuổi dân văn phòng.

"Đơ đơ" không tìm nguyên nhân
Chị Lê Thị Hà – trú Linh Đàm, Hà Nội tâm sự, mấy năm nay chị thấy tâm trạng mình thất thường hay cáu gắt, mệt mỏi, đặc biệt là đầu óc "đơ đơ" không biết vì sao. Có những lúc chị rơi vào trạng thái "về mo" không biết mình làm việc gì. Cùng với đó là việc suy giảm trí nhớ hay quên.
Chị Hà đi khám thần kinh nhưng không có bệnh gì. Chị coi cái "bệnh đơ đơ" của mình là do sau sinh 2 con nó thế.
Trường hợp chị Vũ Quỳnh Trang – Thanh Xuân, Hà Nội cũng tương tự. Chị Trang không hiểu sao mình hay rơi vào trạng thái mơ màng làm việc không hiệu quả, đầu óc không nghĩ được điều gì. Đặc biệt là chứng "não cá vàng" có lúc còn hay quên, có hôm chị mặc quần áo ngủ đi làm đến nửa đường lại quay về nhà thay đồ, hay có lúc đi dép lê đi làm mà không biết.
Bác sĩ chỉ tận tay, day tận mặt thủ phạm khiến dân văn phòng đơ đơ, vật vờ như bóng ma - Ảnh 1.
PGS Nguyễn Hoài Nam
Chị Trang khám nhưng không biết bệnh gì. Chị Trang kể, có lúc còn cảm giác đau tức thượng vị như đau dạ dày nhưng nội soi dạ dày thì không có viêm loét gì hết. Bác sĩ chỉ nói chắc do cuộc sống căng thẳng.
Chị Trang thử so sánh với cuộc sống của mình thì đúng những lúc áp lực công việc là chị đơ đơ đầu óc. Có lúc chị đau bụng như người đau dạ dày nhưng khi nào tâm trạng thư thái thì triệu chứng mờ hết.
Không bị như chị Trang, Hà nhưng anh Đào Ngọc Quang – Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội than thở anh bị viêm mũi mãn tính cứ lên đến cơ quan là anh chỉ ngồi hắt hơi. Một lần hắt hơi cũng 7- 8 cái khiến đồng nghiệp ai cũng chú ý. Dần dần, mọi người quen thấy anh hắt hơi là họ bắt đầu đếm đúng 7, 8 cái là hết.
Anh Quang cũng kiểm tra sức khoẻ mà không ra bệnh gì. Chán nản, anh sống chung với nó mà chỉ biết có thể do viêm mũi dị ứng với một tác nhân nào đó.
Bệnh mà không bệnh
PGS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, hầu như ngày nào ông cũng gặp một vài bệnh nhân đến khám với các triệu chứng rất mơ hồ gọi là bệnh cũng được mà gọi không bị bệnh cũng được. Những người bệnh này đều nhà nhân viên văn phòng làm việc ở các công ty, cao ốc với điều hoà, áp lực công việc, đặc biệt là những bệnh kiểu này có dấu hiệu ngày càng tăng.
Những người này có chung một triệu chứng là luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ. Khi làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng BN không có dấu hiệu gì bất thường. Với những bệnh nhân này rất khó khăn cho chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ ràng, lẫn lộn giữa bệnh này với bệnh khác.
Có những bệnh nhân đến khám vài lần với dấu hiệu mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này nhức mỏi chỗ kia, bệnh rất mơ hồ. Để điều trị chứng bệnh mà không bệnh này PGS Nam cho rằng " rất khó".
Tiếp xúc với bệnh "văn phòng" này, PGS Nam phải hỏi người bệnh rất kỹ và hầu như họ luôn chịu áp lực của công việc như nhiều đầu việc quá, sếp tin tưởng quá, nhất là phụ nữ, lại thêm công việc gia đình nên cảm giác lúc nào đầu cũng đơ đơ.
Ngoài chứng bệnh đơ đơ, PGS Nam cho biết nhân viên văn phòng còn mắc các bệnh khác như viêm xoang, viêm mũi. Nguyên nhân là do không khí văn phòng lưu cữu vì máy lạnh, không có sự thông thoáng, chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây.
Các văn phòng, công sở có hệ thống máy lạnh trung tâm hầu như không được làm vệ sinh thường xuyên, môi trường lạnh và ẩm rất dễ dàng cho việc lây lan của vi trùng và các siêu vi trùng.
Một số nhân viên văn phòng khác do ngồi nhiều, ít vận động dễ dàng bị suy tĩnh mạch, chân sưng phù, chuột rút… Hoặc bị các bệnh do sử dụng máy vi tính liên tục sẽ làm giảm thị lực, đau vai, đau cổ tay.
Ngoài ra, nhân viên văn phòng còn đối diện với các bệnh dễ lây lan như cảm cúm, viêm hô hấp, sốt vi rút, ho, đau mắt đỏ.
Để phòng bệnh cần có thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh góc làm việc. Trong khi làm việc nên dành khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn hay đi lại và làm một vài động tác thể dục ngay tại nơi làm việc. Thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hay vận động nên kéo dài từ 5 - 10 phút.
Ngoài ra, để tránh các bệnh đơ đơ, mệt mỏi không rõ nguyên nhân mỗi người nên duy trì mức làm việc ở mức độ vừa phải, hợp với đồng hồ sinh học cuẩ mình, cần có kế hoạch làm việc hợp lý.

TP.HCM: Loại xe tải được cấp phép vào tham gia giao thông nội đô giờ cao điểm

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về hạn chế và cấp phép cho ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố.
Theo đó, kể từ ngày 1/8 tới, xe tải nhẹ không được phép lưu thông vào khu vực nội đô từ 6h đến 9h và từ 16h đến 20h hàng ngày. Trong khi đó xe tải nặng không được lưu thông vào nội đô từ 6h đến 22h hàng ngày.
Khu vực nội đô thành phố được giới hạn bởi các tuyến đường như sau:
Hướng Bắc và hướng Tây: đường Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 - Xa Lộ Hà Nội đến giao lộ Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh).
Hướng Đông: Xa Lộ Hà Nội (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 - Xa Lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) - đường Mai Chí Thọ - đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công).
Hướng Nam: đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).
Cũng trong quyết định này, thành phố quy định các loại phương tiện được xem xét cấp giấy phép lưu thông vào khung giờ hạn chế nêu trên, bao gồm: Xe tải phục vụ cho việc sửa chữa công trình điện của các Công ty Điện lực, các doanh nghiệp có chức năng truyền tải, phân phối điện năng.
Xe tải phục vụ cho việc ứng cứu thông tin các công trình của Bưu điện, Viễn thông, sửa chữa các công trình thông tin liên lạc của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. Xe phục vụ vận chuyển phát hành thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện của Bưu điện. Xe thư viện số lưu động.
Xe tải phục vụ cho việc bảo trì chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, sửa chữa cầu, đường, cấp nước, thoát nước, chăm sóc công viên cây xanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích.
Ô tô chuyên dùng phục vụ vận chuyển tiền, vàng bạc đá quý của Ngân hàng, Kho bạc nhà nước.
Xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng chuyển phát, phục vụ vận chuyển dịch vụ thư.
Xe tải nhẹ của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (thực phẩm tươi sống, hoa tươi, con giống).
Xe tải nhẹ vận chuyển ôxy, vắc-xin cung cấp cho bệnh viện, trung tâm y tế.
Xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng vận chuyển suất ăn công nghiệp hoặc thực phẩm tươi sống (thịt, thủy hải sản) phục vụ các trung tâm xã hội, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu công nghiệp.
Xe tải của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân vận chuyển dụng cụ, thiết bị phục vụ các dịp lễ Tết, các ngày lễ hội, hội diễn văn hóa nghệ thuật tại thành phố. Xe vận chuyển đạo cụ các đoàn múa Lân Sư Rồng phục vụ Tết Nguyên Đán hàng năm.
Ô tô cứu hộ của doanh nghiệp có chức năng cứu hộ giao thông.
Xe tải nhẹ của các doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm tươi sống tham gia chương trình Bình ổn thị trường theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.
Xe tải nặng vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, đối tượng được xem xét cấp giấy phép lưu thông từ 9h đến 16h và từ 20h đến 22h gồm: Xe tải nặng vận chuyển các loại vật tư, thiết bị phục vụ thi công một số hạng mục thuộc các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố mà không thể thi công vào ban đêm.
Xe tải nặng vận chuyển chất thải nguy hại; xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu, bùn nạo vét, rác thải, xe chuyên dùng vận chuyển xăng dầu phục vụ hoạt động của sân bay.
Thành phố cũng quy định các tuyến hành lang xe tải nặng lưu thông không giới hạn thời gian gồm:
Hành lang ra vào khu vực cảng Phúc Long, quận Thủ Đức: Xa Lộ Hà Nội - Ngã tư Tây Hòa - đường Nguyễn Văn Bá - đường số 2 - cảng Phúc Long (địa chỉ số 494 đường Trường Thọ, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) và ngược lại.
Hành lang ra vào khu vực các cảng dọc tuyến đường Lưu Trọng Lư, quận 7: Đường Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư (bao gồm cả đường Liên cảng A5 và đường Bến Nghé).
Đường Lưu Trọng Lư – Huỳnh Tấn Phát – Trần Xuân Soạn – Tân Thuận 4 (đường nối Trần Xuân Soạn và đường Nguyễn Văn Linh) – Nguyễn Văn Linh.
Hành lang ra vào khu vực Cảng ICD: Đường số 1, quận Thủ Đức (đoạn từ đường Nguyễn Văn Bá đến nhánh sông Sài Gòn). Đường vào chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh: đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh vào chợ.

Hà Nội cứ mưa lại ngập, nguyên nhân vì đâu?

Câu chuyện nguyên nhân gây ngập úng ở Hà Nội là chủ đề được phân tích trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 23/7.

Mỗi khi mưa, Hà Nội lại ngập nước, càng ở những khu vực mới càng bị ngập nặng. Những con đường mới mở, những khu mới quy hoạch lại thành sông, hồ chỉ sau vài cơn mưa. Ngành thoát nước dù đã nỗ lực nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra. Tại sao lại có hiện tượng này?
Chia sẻ về câu hỏi này, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra ở Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phía Tây thủ đô.
"Trên địa bản thành phố Hà Nội, với hiện trạng hệ thống thoát nước như hiện nay, theo dự báo thời tiết, công ty thoát nước Hà Nội đều có phương án thoát nước mùa mưa, trong kế hoạch này đều có dự báo khu vực chống ngập để báo cáo UBND thành phố, các sở chuyên môn, do vậy, với mỗi lượng mưa cũng có thể dự kiến tình trạng úng ngập", ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết.
"Khu vực trung tâm Hà Nội theo Quy hoạch thoát nước tổng thể thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 220km2, bao gồm lưu vực Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ và Long Biên. Về thực hiện, hiện chúng ta mới hoàn thiện dự án thoát nước đầy đủ với lưu vực Tô Lịch còn lại các lưu vực khác vẫn trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Nguyên nhân tiếp theo là do tốc độ đô thị hoá còn nhiều bất cập. Đánh giá việc úng ngập ở khu vự phía Tây, chúng tôi khẳng định hệ thống thoát nước là hệ thống đồng bộ và xuyên suốt từ nguồn thu đến điểm xả, do vậy, không phải một chủ đầu tư hay cá nhân có thể có khả năng giải quyết cục bộ ở khu vực của mình. Tuy nhiên, với khu vực Lê Trọng Tấn giao cắt với Đại lộ Thăng Long, ở đây có quy hoạch của khu đô thị, nhưng mức độ úng ngập ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, tiêu tự chảy", ông Lê Vũ Quảng Sương nói tiếp.
Đối với việc ứng trực của cán bộ công ty thoát nước, ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết, ngay từ khi có những dự báo của khí tượng thuỷ văn, đơn vị này đã có chỉ đạo từ lãnh đạo thành phố Hà Nội, lực lượng cán bộ luôn được triển khai trên các địa bàn được giao. 

Người nhà nói gì vụ cô giáo mang bầu 7 tháng nhảy cầu tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe?

Người thân của nạn nhân cho biết có thể vì Th. quá áp lực trong cuộc sống, cộng thêm đó là việc cô đang có bầu, dẫn tới căng thẳng nên nghĩ quẩn.

Ngày 18/7, gia đình bố mẹ đẻ của chị Ngô Thị Thu Th. (SN 1993), nạn nhân trong vụ nhảy cầu tự tử đang làm lễ tang cho con gái mình tại nhà riêng ở xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Anh Tr. - chồng nạn nhân cùng một vài người thân nhà chồng cũng xuất hiện tại tang trường.
Vụ cô giáo tự tử dù đã mang bầu 7 tháng ở Hải Dương: Người nhà nói gì? - Ảnh 1.
Gia đình nạn nhân tổ chức tang lễ.
Tại tang lễ, chú của anh Tr. cho biết: "Th. về làm dâu từ tháng 11 năm ngoái, đang mang bầu con trai, dự kiến tháng 8 này sẽ sinh. 4 giờ chiều hôm qua, Th. nói rằng ra chợ mua rau, nhưng đi mãi không về rồi xảy ra sự việc như vậy. Chúng tôi cũng không biết lý do gì dẫn đến cháu có hành động như vậy. Tôi thừa nhận gia đình làm nông vất vả, thức khuya dậy sớm, nhưng đã cho hai cháu ra ở riêng rồi, không ép buộc gì trong chuyện làm ăn cả".
Liên quan đến sự việc, anh Phạm Văn Thường (SN 1982, cậu ruột của nạn nhân) kể lại: "Khoảng 18 giờ hôm qua,gia đình nghe có người báo Th. nhảy cầu tự vẫn, tôi và bố mẹ cháu đã ngay lập tức đến xem sự việc.
Vụ cô giáo tự tử dù đã mang bầu 7 tháng ở Hải Dương: Người nhà nói gì?- Ảnh 2.
Thư tuyệt mệnh mà nạn nhân để lại
Phải đến gần 10 giờ đêm, đội lặn mới tìm được thi thể cháu, tuy nhiên không thấy có người nhà đằng nội (phía nhà anh Tr.) ở hiện trường nên chúng tôi đã đưa cháu về nhà ngoại.
Khi đưa về thì chúng tôi có gọi điện thông báo cho phía nhà Tr. biết, có vài người đằng nhà nội cùng cháu rể sang và ở đây từ hôm qua đến giờ. Họ cũng đề đạt mong muốn đưa cháu về bên kia để lo hậu sự nhưng chúng tôi không chấp thuận".
Nói về cuộc sống của chị Th. và chồng, anh Thường cho biết đã có lần nạn nhân ôm đồ bỏ về nhà cha mẹ, cuộc sống không thực sự êm ấm. "Hai đứa yêu nhau rồi cưới nhau chứ không ai can thiệp gì cả. Trước đây Th. làm giáo viên hợp đồng, dạy toán - tin ở trường THPT Kinh Môn 2. Tuy nhiên vì lương thấp cộng với chuyện có thai, nhà chồng đã bảo cháu nghỉ dạy ở nhà làm nông, Th. cũng thuận lòng".
Vụ cô giáo tự tử dù đã mang bầu 7 tháng ở Hải Dương: Người nhà nói gì? - Ảnh 3.
Nạn nhân và chồng.
Anh Thường cho biết, khi còn ở nhà bố mẹ, có thể vì việc làm nông trồng hành tỏi không thạo nên Th. cảm thấy áp lực. "Hồi có bầu được khoảng 3 tháng thì cháu đã ôm đồ về nhà cha mẹ một lần, bảo rằng mẹ chồng hay la mắng, tuy nhiên sau đó gia đình đã khuyên giải để cháu quay về.
Cách đây vài tháng, đằng nội cho hai đứa ra ở riêng nhưng vẫn chung mảnh đất với bố mẹ chồng. Vì đã nghỉ làm, lại bầu bí nên Th. không có khoản thu nhập nào cả, hoàn toàn dựa vào chồng. Biết hoàn cảnh của cháu, gia đình cũng động viên ai ủi. Mấy hôm trước cháu lại về khóc kể cuộc sống khó khăn, anh rể tôi đã bàn đến chuyện đưa cháu về. Thế nhưng không ai ngờ hôm nay lại xảy ra chuyện như vậy", anh Thường chia sẻ.
Chuyện xảy ra khiến mọi người đều rất đau lòng, tại tang trường, bố mẹ và chồng nạn nhân đều ngồi khóc sụt sùi cạnh quan tài. Gia đình nạn nhân cho rằng có thể vì quá áp lực trong cuộc sống, lại đang thai nghén nên nạn nhân bị trầm cảm, sinh ra nghĩ quẩn. Theo họ thì không ai có lỗi hay không nên đổ lỗi cho ai trong chuyện này, chỉ mong nạn nhân được ra đi thanh thản.

Đánh ghen bạo lực: ‘Phụ nữ à, không giữ được người thì cũng phải giữ được mình chứ!’

Chắc hẳn sẽ không có quá nhiều người phản đối khi ai đó nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bạo lực, nếu chỉ quan sát qua những thông tin và video chia sẻ trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, những thước phim về đánh ghen ngày càng nhiều, với mức độ bạo lực đến khó tin. Khiến chính những người phụ nữ ở trong hoàn cảnh tương tự cũng phải thốt lên: “Phụ nữ à, không giữ được người thì cũng phải giữ được mình chứ!”.
Sai là việc của kẻ phản bội, giữ cho mình đúng là việc của người bị phản bội
Người ta bảo có yêu thì mới ghen, vì thế ghen được bảo chứng và trở thành hành động xúc phạm, thậm chí hành hạ người khác mà không cần phải cảm thấy tội lỗi. Cái lý là, họ đắc tội với tôi thì tôi phải đòi lại công bằng.
Nghe qua thấy thật có lý. Nhưng công bằng thật sự là khi bạn mất đi điều gì thì sẽ đổi lại được một điều tương đương. Đằng này, khi ghen tuông đến mức mất lí trí, những gì bạn lấy lại được chỉ là chút giải tỏa, hả hê nhất thời. Cái mất thì lại quá nhiều và không thể cứu vãn.
Khi bạn là một người vợ hiền, hết lòng vì chồng còn, mà dù có còn chút thiếu sót gì đi nữa mà chồng bạn ngoại tình, thì đó là anh ấy và người thứ ba đã làm sai so với đạo vợ chồng và đạo đức cơ bản làm người rồi. Bạn đang nắm lý, họ mới là người trái với luân thường đạo lý.
Nếu bạn tức tối đến mất lý trí, tới ba mặt một nhời với cô ta, mạt sát, thóa mạ, chì chiết chồng mình. Hay thậm chí gọi người đi đánh ghen hội đồng, lột đồ, xát muối, túm đầu túm tóc đánh đập người ta như trên những video đang lan truyền, thì bạn lại tự biến mình thành người sai trái. Chưa kể đến việc có thể bị tố ngược vì tội xúc phạm nhân phẩm và hành hung người khác. Thì những việc đó cũng đã là không đúng với đạo đức và phẩm hạnh của một người có giáo dục.
Ảnh chụp một vụ đánh ghen kinh hoàng. (Ảnh: pinterest.com)
Đàn ông háo sắc, ham của lạ, nếu họ có trách thì chỉ có thể trách bạn trong Tứ đức chưa đủ hoặc phai nhạt mất Dung.
Còn anh ấy phản bội bạn, chê bai nhan sắc của bạn chạy theo bồ trẻ đẹp, đó là bất Nhân.
Đối xử lạnh nhạt, thờ ơ hay coi thường vợ, thậm chí quay ra chửi mắng vợ, đó là bất Lễ.
Vợ chồng gá nghĩa với nhau, mà không giữ trọn đạo làm chồng, đó là bất Nghĩa.
Ham mê sắc dục, tình ái mà ảnh hưởng tới công việc, uy tín tại cơ quan và ngoài xã hội, đó là bất Trí.
Đã thề non hẹn biển, bái lạy tổ tiên, làm lễ có hai bên gia đình chứng kiến mà giờ lại phụ bạc bạn, đó là bất Tín.
Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, anh ấy đã chẳng giữ được cái đức nào, bạn chỉ vì thiếu chút Dung (dung nhan) trong con mắt anh ấy thì sao phải hạ mình xuống thành người giống như những người phản bội, làm trái luân thường đạo lý kia?
Nếu bạn xúc phạm nhân phẩm hay cơ thể của người khác, đó là bất Nhân. Không nói chuyện bình đẳng và tiết chế, không tôn trọng họ là bất Lễ. Xúc phạm chồng và người thứ ba giữa bàn dân thiên hạ là bất Nghĩa. Hạ thấp hình ảnh của mình bằng những việc thất đức là bất Trí. Hỏa khí bốc lên, chẳng kiêng nể lời nói, thì cái đức Ngôn lẫn Hạnh trong Công Dung Ngôn Hạnh cũng chẳng còn.
Về lý thì khi bạn xúc phạm người khác, làm ai đó phải chịu đựng tổn thất về tinh thần, thân thể hay vật chất thì đều là bất Thiện, là vi phạm đạo đức. Dù họ có lỗi gì với bạn đi nữa, thì đó là việc họ làm sai. Còn việc của bạn là phải giữ cho mình không làm sai theo họ. Bạn đang ở thế không có gì là bất chính cả, sao phải hạ mình thành người hạ lưu, lồng lộn, sẵn sàng mất hết chỉ cốt để bõ tức, hả giận.
Trong khi đó, sau những vụ đánh ghen long trời lở đất, hình ảnh bạn trong mắt chồng chắc chắn sẽ khác. Lòng tự trọng của anh ta cũng bị tổn thương và sĩ diện nổi lên, tự biến mình thành người chẳng làm gì sai, thậm chí quay ra hận bạn, coi thường bạn. Tình nghĩa vợ chồng chẳng thể như xưa, bỏ thì thương con, vương thì tội bạn, tội cả chồng. Dù thế nào thì bạn cũng sẽ vẫn là người bị tổn thương.
Sau những vụ đánh ghen ai cũng sẽ bị tổn thương, nhất là bản thân bạn. (Ảnh: youtube.com)
Ghen quá mất khôn, vậy vì sao lại phải ghen?
Nhưng cũng nhiều chị em phụ nữ nói rằng, dẫu biết rằng vẫn phải lý trí, nhưng một khi cơn ghen đã lên thì không thể suy nghĩ cho thấu đáo được.
Lại quay lại với cái lý rằng có yêu thương, hy sinh, chăm sóc thì mới ghen tuông. Thế nên chị em có khuyên nhau, đừng có yêu chồng quá, hãy biết yêu lấy bản thân mình trước, trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn, người ấy thiệt…
Như thế, cuối cùng chính là vì sự thiệt hơn của bản thân mình, cảm thụ của mình, công bằng cho mình. Thế nhưng ở đời, nếu lúc nào cũng chỉ vì mình, đặt cái tôi lên trên hết thảy thì lại chẳng nhận về được bao nhiêu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong thứ ngôn ngữ tượng hình nhiều nội hàm như tiếng Hán chính thể, chữ Ngã (我 – cái tôi) gồm bộ thủ (cái tay) và một loại vũ khí. Khi bạn chỉ nghĩ đến mình, đến lợi ích và được mất của mình, thì bạn chính là đang ở thế lăm le chiến đấu với người khác.
Muốn được thì phải mất, muốn có mối quan hệ sâu đậm, chẳng phải bạn trước hết phải chân thành. Muốn người trân trọng và đối xử nghĩa tình với mình, chẳng phải bạn trước hết phải biết nghĩ đến họ mà bỏ một chút công sức, tình cảm mà vun đắp, chăm sóc. Muốn người khác quan tâm, có trách nhiệm, chẳng phải bạn cũng cần hy sinh một chút lợi ích của mình.
Nhưng khi bạn bỏ ra những thứ đó thì lại không thể mong cầu người khác chắc chắn cũng phải trả lại cho bạn. Đó là tình yêu có điều kiện mất rồi. Mà một khi có điều kiện, thì bạn sẽ tự cảm thấy bất công nếu không được thỏa mãn điều kiện.
Chẳng ai có thể nắm tương lai, lại càng không thể mộng tưởng sẽ chi phối được suy nghĩ, hành động của người khác. Cuộc đời vốn vô thường như vậy. Ai biết rõ sau này ai sẽ phụ ta?
Nhưng nếu bị phụ rồi, không nhận lại đủ những gì bạn đã cho đi rồi, thì tức tối, nóng giận đến mất khôn chỉ giống như hành động vô vọng, đâm xiên đạp quàng lung tung trong bất mãn, tuyệt vọng.
Dành cho mình một khoảng lặng để bình tĩnh lại, thì chắc chắn sẽ suy nghĩ được ra con đường rộng lớn hơn. (Ảnh: iini.net)
Nếu không phản ứng ngay lập tức, dành cho mình một khoảng lặng để bình tĩnh lại, thì chắc chắn sẽ suy nghĩ được ra con đường rộng lớn hơn. Chắc chắn sẽ biết cách để còn có thể đối diện với chồng mình và người tình ở thế ngẩng cao đầu bởi bạn không làm gì sai.
Người có tấm lòng rộng rãi sẽ bao chứa được vạn vật, vạn người. Biển rộng lớn bởi dung nạp được trăm sông. Người rộng lớn bởi có thể bao dung, từ bi với hết thảy những người đã gây ra bất công đối với mình. Không coi nhẹ tình yêu, mà là mở rộng tình yêu ra thành sự từ bi. Không coi trọng được mất, cảm thụ của bản thân, mà chỉ coi trọng đúng sai của bản thân. Làm người trước tiên phải ngay và chính.
Khi tấm lòng của bạn rộng mở, thế giới của bạn sẽ rộng mở, lúc đó, một sự đổ vỡ nhỏ trong thế giới đó cũng sẽ không trở thành điều gì đó quá to tát đối với bạn. Thế nên người rộng rãi, khoáng đạt, tự tại sẽ không để việc làm sai trái của người khác tác động được tới nhân cách và sự an nhiên của mình.
Ghen là biểu hiện của tình yêu, thật ra câu đó còn thiếu một vế. Ghen là biểu hiện của tình yêu, nhưng là thứ tình yêu có điều kiện. Vậy hãy mở rộng tình yêu của mình, đừng quá coi trọng được mất của bản thân. Yêu người thì hãy sẵn sàng đối diện với cả những điều cay đắng người có thể gây ra cho mình. Như biển kia có thể để mọi con sông dù trong dù đục hòa vào mình. Đến lúc đó, mọi sự đau khổ người gây ra cho bạn cũng đều không đáng kể, đều không thể làm bạn bị tổn thương tới mức đánh mất bản thân. 

Bình luận

Most Popular